Dàn nhạc giao hưởng được bố trí như thế nào?

Dàn nhạc giao hưởng ngay từ khi định hình vào cuối thế kỷ 18 với Haydn và Mozart, rồi đến Beethoven vào đầu thế kỷ 19, cũng đã bao gồm 10 violon 1, 8 violon 2, 6 viola, 6 cello, 4 contrebasse (bộ dây), 2 flute, 2 ôboa (oboe), 2 clarinet, 2 fagott (bộ gõ), 2 cor, 2 trompette (trumpet) của bộ đồng, 2 bộ trống timpani (bộ gõ), tức là gần 50 nhạc công (với thành phần này giờ đây người ta gọi là dàn nhạc giao hưởng nhỏ, không có kèn trombone và kèn tuba), còn dàn nhạc giao hưởng lớn ngày nay thường có từ 80 đến 100 nhạc công.

Với số lượng lớn như vậy, các nhạc cụ và những nhạc công sử dụng các nhạc cụ ấy phải được bố trí như thế nào trên sân khấu hòa nhạc? Bởi lẽ chất lượng âm thanh của một dàn nhạc phụ thuộc rất nhiều vào sự hòa hợp âm thanh của các loại nhạc cụ khác nhau để tạo thành cái gọi là tính hòa đồng (ensemble) của dàn nhạc. Đó là chưa nói đến chuyện ngần ấy con người phải được sắp xếp như thế nào để ai cũng có thể trông thấy được từng biến động nhỏ của cây đũa chỉ huy trong tay người nhạc trưởng, nếu không lập tức xảy ra “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” ngay! Nhạc trưởng là linh hồn của dàn nhạc, từ những chuyển động của cây đũa bé nhỏ trong tay ông ta mà toàn dàn nhạc hoặc từng bè, từng cá nhân trong dàn nhạc mới biết được chỗ nào chơi to, chơi nhỏ, rất to, rất nhỏ, nhanh, chậm, ngắt tiếng (stacato), liên tiếng (legato)…
Và khi đi nghe dàn nhạc giao hưởng biểu diễn, chắc chúng ta cũng nhận thấy không phải lúc nào toàn dàn nhạc đều hoạt động, có lúc có bè, có nhạc cụ ngồi nghỉ chán chê, chợt nhạc trưởng vẫy cây đũa về phía bè ấy, người ấy, thế là phải bắt tay vào ngay, không được chậm trễ! Nói hơi ngoa ngoắt một chút, thậm chí có nhạc công phải ngồi im chờ trong dàn nhạc đến phát buồn ngủ, như người đánh trống chẳng hạn, lẩm nhẩm đếm trong đầu số lượng ô nhịp mà anh ta phải nghỉ, để rồi đùng một cái, nhạc trưởng vẫy đũa, là phải vào ngay, cho dù chỉ là một tiếng trống, nhỡ một cái là làm hỏng hiệu quả của tác phẩm.
Quan trọng như thế cho nên từng thời kỳ, từng người nhạc trưởng đã có những cách xử lý khác nhau trong việc bố trí dàn nhạc. Những bức họa, tranh khắc gỗ thế kỷ XVII, XVIII vẽ những cảnh người ngồi hòa nhạc, những hồi ký, từ điển âm nhạc thời ấy có thể cho ta biết đôi nét về vấn đề này.
Vào nửa sau thế kỷ 18 số lượng nhạc công trong dàn nhạc tăng lên cho nên buộc người ta phải suy nghĩ đến việc bố trí cho họ thế nào trên sân khấu khi biểu diễn. Cuốn “Từ điển âm nhạc” của tác giả Jean-Jacques Rousseau xuất bản năm 1767 đã cho những thông tin sớm nhất về việc bố trí dàn nhạc đệm cho biểu diễn opera: Người nhạc trưởng điều khiển dàn nhạc bằng cây đàn clavecin đặt ở giữa hố nhạc (là nơi dàn nhạc ngồi sâu xuống trước sân khấu để không che mất tầm nhìn của khán giả), còn các nhạc cụ dây và kèn tùy tiện ngồi xung quanh ông ta.
Từ thời ấy đến nay đã hơn hai thế kỷ. Hàng chục nhạc trưởng và dàn nhạc đã định ra được những nguyên tắc cụ thể cho việc bố trí dàn nhạc trên sân khấu hòa nhạc: Muốn các nhạc công trông rõ cây đũa chỉ huy thì họ phải ngồi xòe ra trên sân khấu theo hình nan quạt, còn nhạc trưởng đứng ở giữa, vào chỗ tay cầm quạt, tức là chỗ trục của quạt. Các nhạc cụ cùng loại ngồi thành nhóm hoặc thành một tuyến để họ có thể nghe thấy nhau khi cùng hòa tấu và tạo được một âm thanh đậm đặc, hòa quyện cho từng bộ của dàn nhạc.



TS VŨ TỰ LÂN

Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội